Bánh tét Bolsa – khơi nguồn cảm hứng mới cho món ăn truyền thống

“Tết càng lúc càng nhạt”, “đang yên đang lành tự nhiên lại Tết”, “chả thấy gì chỉ thấy Tết phiền phức, đảo lộn cuộc sống hết cả”… Ai đó có thể nhận xét như vậy về Tết của thời hiện đại. Còn ngày xưa, cái Tết quan trọng lắm, đáng trông ngóng lắm. Bởi ngày xưa, mọi tinh hoa lao động trong năm, người ta đều gom góp dồn cả, để dành cả cho Tết: Cái áo, đôi dép mới đợi đến Tết mới dùng; con gà, con lợn nuôi cả năm cũng chờ Tết đến mới mổ để gói bánh, làm giò lụa, giò thủ, thịt đông…

Nhưng nói thì nói vậy, với nhiều người, Tết vẫn đậm đà hương vị và bánh chưng vẫn là tín hiệu báo xuân. Không khí Tết có thể đến từ nồi nước mùi già đêm trừ tịch, có khi lại là mùi phảng phất cay cay khói bếp, nơi có nồi bánh chưng to cả gia đình cùng nhau gói ghém mà không ai quên được dẫu có đi khắp năm châu, dẫu có hiện đại đến đâu.

Bánh chưng, bánh tét nguyên liệu thì có gì đâu, gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn. Những thứ ấy ngày xưa thời khó khăn có thể là hiếm, là để dành, chứ bây giờ mua đâu chẳng có. Chẳng những thế, bánh chưng giờ cũng sẵn, bán quanh năm, mua đâu cũng dễ. Nhưng tấm bánh chưng vào dịp Tết, nó vẫn khác hẳn, bởi nó còn gói ghém trong mình sự ấm cúng của đoàn viên.

Tên gọi thân thương triù mến. Hương vị đi vào lòng người

Gói bánh chưng, bánh tét không ai làm một mình mà bao giờ cũng là cả nhà quây quần chung tay. Người lớn thì đong gạo, ngâm gạo, đãi đỗ, thái thịt. Lũ trẻ con ríu rít xung quanh phụ rửa lá, lau lá, hóng người lớn gói bánh. Ông bà khi gói bánh vừa kể chuyện cho cháu về sự tích bánh chưng, vừa rôm rả chuyện trò, có khi còn ưu ái làm thêm cho vài chiếc bánh cua bé xíu để ăn trước hoặc để dành. Cảm giác ấy hồ hởi, phấn khởi vô cùng.

 

Thích hơn cả là buổi tối tranh nhau chỗ ngồi canh bếp, vừa thích thú nghe tiếng lép bép củi nổ, vừa háo hức canh mấy củ khoai lùi, hít hà mùi thơm của nồi cá kho, thịt kho trứng để ké bên cạnh mà ngủ quên lúc nào chẳng hay, má đứa nào đứa nấy đỏ ửng lên vì lửa táp. Thế nên bánh chưng không chỉ là miếng bánh, mà còn là còn là trọn vẹn không khí Tết, tinh thần Tết trong tâm tưởng nhiều người.

Có lẽ vì thế mà vài năm gần đây, dù bánh chưng nhiều sẵn, từ chợ đến làng nghề, nhiều nhà vẫn rục rịch gói bánh trở lại. Nhà neo người quá thì gói rồi luộc nồi áp suất, nơi nào xóm giềng thân thiện còn rủ nhau gói, luộc chung nồi, củi lửa đúng như thời “ông bà anh”. Không chỉ vì đó là miếng ăn tự tay làm ra mà còn để lũ trẻ có thêm trải nghiệm.

 

Đấy là chuyện người ở nhà. Còn với người xa xứ, chiếc bánh chưng càng thêm ý nghĩa. Năm hết, Tết đến, một mình nơi đất khách quê người, chỉ cần thấy một nhành mai, một nụ đào, chạm môi vào miếng bánh chưng bánh tét là có thể bật khóc ngon lành giữa xứ lạ. Chiếc bánh Tết với người đi xa đáng quý là ở hương vị thực thà quê kệch, gọi về những tháng ngày sum họp đầm ấm, gọi về những Tết xưa, gọi về cả hồn phách tinh anh dân tộc chảy trôi trong huyết quản, dù họ đang sống phương trời nào. 

Chẳng thể mà ở Mỹ, ở Nga. Tiệp Khắc, ở Nhật và ở những nơi có cộng đồng người Việt sinh sống, Tết đến, người ta gom nhau vào cùng gói bánh, làm dăm món cổ truyền để giữ hồn cốt dân tộc. Dù lá dong, lạt buộc, dưa cà sang đến nơi có thể đắt hơn cả cá hồi, bào ngư, nhưng vị quê hương thì không gì so sánh được. Dù chiếc bánh chưng, đòn bánh tét luộc nơi đất khách có thể chẳng đượm mùi củi lửa, đón giao thừa lúc lệch múi giờ, xung quanh người bản xứ còn đang làm việc, nhưng thế vẫn đủ để gọi tên Tết rồi.

Tết xưa hay Tết nay, Tết nhà hay Tết xa xứ, dù mâm cỗ có nhiều biến đổi thêm bớt, món Tây món Tàu, nhưng chẳng nhà nào quên được cái bánh chưng, bánh tét trong mâm cỗ, trên bàn thờ dâng cúng tổ tiên. Hàng trăm năm qua, món bánh ấy vẫn cứ bền bỉ mà neo đậu lại trong tâm tưởng người Việt, vì rằng thấy bánh chưng, bánh tét là thấy Tết.

Đó là bởi, bánh chưng, bánh tét không chỉ là món ăn mà còn là văn hóa, là sự kết nối, là mạch ngầm Tết âm thầm chảy, là hương vị tưởng nhạt phai rồi hóa ra vẫn mặn mòi trong từng chiều kích không gian Tết Nguyên đán như thế đó.